GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 11/2023
“NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN”
Tác giả: Aitmatov
Đối với mỗi người, thời niên thiếu là một dấu ấn khó phai trong cuộc đời. Và trong những ngày chập chững bước đi đầu tiên ấy, ta sẽ không thể nào quên những bàn tay đã dìu dắt mình đi trên con đường kiến thức của nhân loại. “Người thầy đầu tiên” của tác giả Aimatốp là một tác phẩm nằm trong dòng cảm xúc đó…
Ra đời vào những năm 1961, tác phẩm “Người thầy đầu tiên” đã gây được tiếng vang lớn khi nhận một giải thưởng danh dự “Giải thưởng Lênin”. Cho đến bây giờ, “Người thầy đầu tiên” không ngừng làm rung động trái tim của biết bao thế hệ độc giả. Đọc tác phẩm, trong lòng người đọc sẽ khắc sâu về lòng biết ơn vô hạn đối với thầy giáo Đuysen – người đã hy sinh tất cả để vun trồng mơ ước, hi vọng cho những thế hệ tương lai.
Xuyên suốt tác phẩm là lời kể gián tiếp của người hoạ sĩ xen lẫn với lời kể của nhân vật Antưnai về hồi ức cuộc đời Bà trong những năm sau Cách Mạng Tháng Mười Nga.
Trong một dịp trở về làng quê Kurkurêu mừng khánh thành ngôi trường trung học, nơi mà Antưnai đã từng trải qua thời thơ ấu đắng cay nhưng cũng đầy ắp kỷ niệm, Bà đã thật sự xúc động về những ký ức xa xưa. Khi đó, Antưnai đã may mắn gặp và nhận được sự dạy dỗ của thầy Đuysen… Câu chuyện là một nỗi hàm ơn của người trò nhỏ đối với người thầy giáo trẻ
Lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách, hình ảnh đã gây ấn tượng sâu đậm trong tâm trí người đọc là hình ảnh hai cây phong trong gió “nghiêng ngả tấm thân dẻo dai và reo vù vù như một ngọn lửa bốc cháy rừng rực”. Hai cây phong chính là biểu tượng đẹp của con người dân làng Ku-ku-rêu với tâm hồn trong sáng và phong phú, với sức sống tiềm tàng mạnh mẽ. Hai cây phong cũng là một cánh cửa thần kì đưa lũ trẻ nghèo làng Ku-ku-rêu đến với “một thế giới đẹp đẽ vô ngần của không gian bao la và ánh sáng” mỗi khi chúng đua nhau leo lên ngọn cây. Hai cây phong ấy còn là minh chứng cho câu chuyện hết sức xúc động về Đuy-sen – người thầy đầu tiên và cô bé An- tư-nai gần bốn mươi năm về trước. Chính thầy Đuy-sen đã đem hai cây phong về trồng trên đồi cao này cùng với cô bé An-tư-nai và thầy đã gửi gắm ở hai cây phong non ước mơ, hy vọng những đứa trẻ nghèo khổ, thất học như An-tư-nai sau này sẽ lớn lên, ngày càng được mở mang kiến thức và trỏ thành những con người hữu ích.
Tác giả Chingiz-Aitmatov năm 1978
Trở lại thời quá khứ, khi Antưnai năm mười lăm tuổi là những tháng ngày tuổi thơ nhọc nhằn bất hạnh. Cô bé luôn bị người thím độc ác đánh đập. Và, cuộc đời cô bé Antưnai sang một trang đời khác tươi sáng hơn nhờ thầy giáo Đuysen – một người thanh niên cộng sản tình nguyện về mở trường dạy học ở làng Ku-Ku-rêu. Ở vùng quê của Antunai, thầy giáo Đuy-sen bị coi như một trò cười. Ở đây người ta coi thường chuyện học hành, con cái họ cần phải làm việc giúp đỡ gia đình – việc đó có ý nghĩa hơn nhiều so với việc đến lớp hàng ngày. Thực tế mà Đuy-Sen gặp phải có thể làm nản lòng bất kì ai. Bằng sự kiên trì thuyết phục, sau bao nhiêu vất vả, cuối cùng thầy đã đưa được các em đến trường. Có thể nói chính điều đó đã thay đổi cuộc đời cô bé Antunai và những cô cậu bé khác của nông thôn nước Nga thời đó.
Làng Kurkurêu trong tác phẩm
Không chỉ vượt qua bao cản trở để đưa các em tới trường, trước mắt thầy Đuy-sen còn biết bao nhiêu chông gai: Đó là những thiếu thốn: ngôi trường chỉ là một căn nhà kho cũ vốn từng là một chuồng ngựa với những bức vách xiêu vẹo, những cánh cửa ọp ẹp và học trò thì ngồi trên các ổ rơm trải giữa sàn nhà; đó là những lời đàm tiếu của “bọn nhà giàu” trong khi Đuy-sen phải cõng từng đứa trẻ qua dòng suối lạnh buốt; rồi những lên huyện họp, thầy phải trở về giữa đêm mưa tuyết đầy trời, khi cả người và ngựa đã thấm mệt mà lại bị cả đàn sói bao vây…..
Thầy đã từng nói với cô bé mồ côi này lời những động viên tinh thần thiêng liêng nhất: “An-tư-nai, bây giờ thầy với em cùng làm chung một việc. Hai cây phong này thầy mang về cho em đấy. Chúng ta sẽ cùng trồng. Và trong khi chúng lớn lên, ngày một thêm sức sống, em cũng sẽ trưởng thành, em sẽ là một người tốt. Em có một tâm hồn đẹp và một đầu óc ham học. Thầy bao giờ cũng nghĩ rằng em sẽ trở thành người thành đạt”.
Tiếng gọi của người thầy yêu quý Đuy-sen trong lần gặp gỡ cuối cùng với An-tư-nai đã vọng mãi theo đoàn tàu, theo mãi hành trình cuộc đời của An-tư-nai – một viện sĩ Xô Viết, một cô học trò bé bỏng, một ngọn lửa nhỏ trong lòng Đuysen.
Câu chuyện không chỉ ca ngợi người thầy Đuy-sen hết lòng vì học trò mà còn gợi lên trong lòng mỗi chúng ta bao nỗi xúc động dạt dào. Đó là lòng kính yêu vô bờ với những người thầy – những người lái đò thầm lặng đã và đang dìu dắt chúng ta trên con đường đời.
Thầy chính là cây phong với sức sống mạnh mẽ, bền bỉ nơi làng quê ấy, đồng thời là tấm gương mẫu mực để bất kỳ người giáo viên nào cũng có thể soi vào để tự học, tự rèn luyện.
NGƯỜI GIỚI THIỆU
Bùi Thị Tứ
|
HIỆU TRƯỞNG
(đã ký)
Vũ Tiến Công
|